Quý II, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có gần 2.800 sản phẩm mới, tăng 8 lần theo quý nhưng chỉ tập trung ở vài địa phương.
Trong báo cáo thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng rục rịch tăng trở lại. Quý II có 7 dự án mở bán, cung cấp gần 2.800 sản phẩm mới, gấp 8 lần so với quý trước.
Số lượng dự án được cấp phép xây dựng hoặc động thổ cũng cải thiện trong quý qua. Đơn cử tại Phú Yên, một dự án quy mô 57 ha do Tập đoàn Khách sạn Mandarin Oriental quản lý được cấp phép xây dựng giữa tháng 6. Dự án nằm ở Bãi Nồm, cung cấp hơn 70 căn biệt thự. Hay tại Phú Quốc, một dự án quy mô hơn 1 ha nằm ở Bãi Trường động thổ cách đây hơn một tháng. Dự án này gồm 81 căn thấp tầng, giá dự kiến từ 4,8 tỷ đồng một căn.
Dữ liệu của kênh Batdongsan cho thấy mức độ quan tâm các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đang cải thiện. Ví dụ, sự quan tâm tới condotel đạt hơn 20 điểm trong quý II, gấp 4 lần quý I, còn biệt thự biển cũng tăng từ 80 điểm cuối năm ngoái lên 100 điểm trong quý II.
Tuy nhiên, VARS đánh giá đây chỉ là đà tăng cục bộ bởi phần lớn nguồn cung tập trung ở một vài địa phương. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thị trường có hơn 3.100 căn mở bán mới, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái, nhưng chỉ bằng 27% so với cùng kỳ 2022.
Tương tự, dữ liệu của DKRA Group – một công ty dịch vụ bất động sản – cho thấy nguồn cung condotel sơ cấp tăng 51% so với cùng kỳ, song chủ yếu ở Nha Trang (Khánh Hòa). Các địa phương khác như Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận hay Vũng Tàu chiếm 5-12% nguồn cung sơ cấp.
Về giao dịch, DKRA cho biết số sản phẩm được bán tăng gần 7 lần so với cùng kỳ, nhưng cục bộ ở một dự án. Trong khi đó, những dự án cũ phần lớn vẫn bán chậm hoặc đóng giỏ hàng. Thanh khoản thị trường chủ yếu là sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng dưới 10 tỷ đồng một căn và condotel dưới 3 tỷ.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group, nhìn nhận mặt bằng giá sơ cấp vẫn neo cao và ít biến động so với cùng kỳ năm ngoái. Giá condotel cao nhất lên đến 140-180 triệu đồng mỗi m2. Các chính sách hỗ trợ dòng tiền như kéo dài lịch thanh toán, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất… vẫn được chủ đầu tư áp dụng để kích cầu.
Ở góc độ chủ đầu tư, ông Michael Piro, Tổng giám đốc Indochina Capital, cho rằng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ít thu hút nguồn vốn nước ngoài như bất động sản công nghiệp hay nhà ở. Bởi thay vì tìm hiểu một mảnh đất tiềm năng và xây dựng khu nghỉ dưỡng, họ thường chọn gia nhập thị trường qua “mua lại dự án do doanh nghiệp nội địa phát triển nhưng quản lý thiếu hiệu quả”. Từ đó, nhà đầu tư ngoại có thể tham gia trực tiếp vào quản lý và nâng tầm chất lượng dự án.
Dự báo về nguồn cung tương lai, ông Võ Hồng Thắng cho biết quý III sẽ có khoảng 400-500 sản phẩm condotel đưa ra thị trường, tập trung ở Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Còn biệt thự nghỉ dưỡng dao động 100-150 căn, tương đương quý II. Chuyên gia dự báo mặt bằng giá vẫn neo cao và khó có biến động mạnh.
Về lâu dài, ông Michael Piro đánh giá thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn tiềm năng phát triển, dù đà phục hồi chậm hơn các phân khúc khác, bởi ngành du lịch của Việt Nam đang trở lại đường đua. Chuyên gia dẫn chứng 6 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 8,5 triệu lượt năm 2019 – thời điểm trước dịch Covid-19.
Nguồn:https://vnexpress.net/nguon-cung-bat-dong-san-nghi-duong-tang-cuc-bo-4772662.html