Nhiều quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển các khu kinh tế vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ.
Nghiên cứu hình thành các khu kinh tế ven biển tại Ninh Thuận, Bình Thuận
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng, trong thời kỳ đến năm 2030, tiếp tục phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả thân thiện môi trường gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và từng địa phương; chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đang hoạt động;
Phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng hình thành chức năng nòng cốt, chủ đạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển của vùng.
Khuyến khích các ngành kinh tế biển có giá trị gia tăng cao như du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo,…
Quy hoạch cũng định hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có. Trong đó ưu tiên tập trung các khu kinh tế có vai trò quan trọng, có tính động lực đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn; Khu Kinh tế Vũng Áng; Khu kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế Nhơn Hội.
Quy hoạch định hướng tiếp tục nghiên cứu phát triển, hình thành khu kinh tế ven biển tại các địa bàn có tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận khi đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành.
Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu gắn với các khu thương mại, dịch vụ, khu chế xuất, khu công nghiệp, hướng tới hình thành các trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của các địa phương trong vùng.
Phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, các tổ hợp công nghiệp chuyên sâu với quy mô hợp lý. Phát triển khu công nghiệp theo các mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ.
Ưu tiên thành lập mới, mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển miền Trung
Nhiều quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển 11 khu kinh tế vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ.
11 Khu kinh tế nói trên gồm: Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (tỉnh Nghệ An), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Hòn La (tỉnh Quảng Bình), Đông Nam Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), Chân Mây – Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa).
Theo quy hoạch được phê duyệt, Khánh Hòa sẽ phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tổ chức không gian khu kinh tế được chinh thành 02 khu vực gồm Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.
Tỉnh Phú Yên sẽ xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển,…
Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trung tâm dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực, tạo bứt phá về kinh tế – xã hội trong khu vực duyên hải Trung Bộ và liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Trung Bộ với Tây Nguyên.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bình Định phấn đấu xây dựng và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội để góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế;…
Tỉnh Quảng Ngãi phát triển Khu kinh tế Dung Quất tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi, quy mô diện tích khoảng 45.332 ha.
Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông lâm ngư nghiệp.
Tại đây sẽ triển khai hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô theo hướng bền vững, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực Bắc Trung bộ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đông Bắc Thái Lan và là cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông; gắn kết với các tỉnh, thành phố trong Vùng động lực miền Trung.
Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng; xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị Chân Mây.
Tỉnh sẽ xây dựng khu vực Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III.